Sunday, March 6, 2016

CHÚA PHỤC SINH


Ảnh HT TLMN

Vì sao người lương thiện cả đời gặp nỗi buồn và trắc trở?

Thứ năm, 10/04/2014,
(Nghệ thuật sống) Tác giả Từ Đạo Tâm
 - Tôi đã tìm một người thầy thông thái và đạo hạnh xin chỉ bảo:
-Vì sao những người lương thiện như con lại thường xuyên cảm thấy khổ, mà những người ác lại vẫn sống tốt như vậy

Thầy hiền hòa nhìn tôi trả lời:
- Nếu một người trong lòng cảm thấy khổ, điều đó nói lên rằng trong tâm người này có tồn tại một điều ác tương ứng. Nếu một người trong nội tâm không có điều ác nào, như vậy, người này sẽ không có cảm giác thống khổ. Vì thế, căn cứ theo đạo lý này, con thường cảm thấy khổ, nghĩa là nội tâm của con có tồn tại điều ác, con không phải là một người lương thiện thật sự. Mà những người con cho rằng là người ác, lại chưa hẳn là người thật sự ác.
Một người có thể vui vẻ mà sống, ít nhất nói rõ người này không phải là người ác thật sự.
Có cảm giác như bị xúc phạm, tôi không phục, liền nói:
-Con sao có thể là người ác được? Gần đây, tâm con rất lương thiện mà!
Thầy trả lời:
-Nội tâm không ác thì không cảm thấy khổ, con đã cảm thấy khổ, nghĩa là trong tâm con đang tồn tại điều ác. Con hãy nói về nỗi khổ của con, ta sẽ nói cho con biết, điều ác nào đang tồn tại trong con.
Tôi nói:
-Nỗi khổ của con thì rất nhiều! Có khi cảm thấy tiền lương thu nhập rất thấp, nhà ở cũng không đủ rộng, thường xuyên có “cảm giác thua thiệt” bởi vậy trong tâm con thường cảm thấy không thoải mái, cũng hy vọng mau chóng có thể cải biến tình trạng này; trong xã hội, không ít người căn bản không có văn hóa gì, lại có thể lưng quấn bạc triệu, con không phục; một trí thức văn hóa như con, mỗi tháng lại chỉ có một chút thu nhập, thật sự là không công bằng; người thân nhiều lúc không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái…
Cứ như vậy, lần lượt tôi kể hết với thầy những nỗi thống khổ của mình.
Thầy gật đầu, mỉm cười, một nụ cười rất nhân từ đôn hậu, người từ tốn nói với tôi:
Thu nhập hiện tại của con đã đủ nuôi sống chính con và gia đình. Con còn có cả phòng ốc để ở, căn bản là đã không phải lưu lạc nơi đầu đường xó chợ, chỉ là diện tích hơi nhỏ một chút, con hoàn toàn có thể không phải chịu những khổ tâm ấy.
-Nhưng, bởi vì nội tâm con có lòng tham đối với tiền tài và của cải, cho nên mới cảm thấy khổ. Loại lòng tham này là ác tâm, nếu con có thể vứt bỏ ác tâm ấy, con sẽ không vì những điều đó mà cảm thấy khổ nữa.
Trong xã hội có nhiều người thiếu văn hóa nhưng lại phát tài, rồi con lại cảm thấy không phục, đây chính là tâm đố kị. Tâm đố kị cũng là một loại ác tâm. Con tự cho mình là có văn hóa, nên cần phải có thu nhập cao, đây chính là tâm ngạo mạn. Tâm ngạo mạn cũng là ác tâm. Cho rằng có văn hóa thì phải có thu nhập cao, đây chính là tâm ngu si; bởi vì văn hóa không phải là căn nguyên của sự giàu có, kiếp trước làm việc thiện mới là nguyên nhân cho sự giàu có của kiếp này. Tâm ngu si cũng là ác tâm!
Người thân không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái, đây là không rộng lượng. Dẫu là người thân của con, nhưng họ vẫn có tư tưởng và quan điểm của riêng mình, tại sao lại cưỡng cầu tư tưởng và quan điểm của họ bắt phải giống như con? Không rộng lượng sẽ dẫn đến hẹp hòi. Tâm hẹp hòi cũng là ác tâm.
Sư phụ tiếp tục mỉm cười:
- Lòng tham, tâm đố kỵ, ngạo mạn, ngu si, hẹp hòi, đều là những ác tâm. Bởi vì nội tâm của con chứa đựng những ác tâm ấy, nên những thống khổ mới tồn tại trong con. Nếu con có thể loại trừ những ác tâm đó, những thống khổ kia sẽ tan thành mây khói.”
Con đem niềm vui và thỏa mãn của mình đặt lên tiền thu nhập và của cải, con hãy nghĩ lại xem, căn bản con sẽ không chết đói và chết cóng; những người giàu có kia, thật ra cũng chỉ là không chết đói và chết cóng. Con đã nhận ra chưa, con có hạnh phúc hay không, không dựa trên sự giàu có bên ngoài, mà dựa trên thái độ sống của con mới là quyết định. Nắm chắc từng giây phút của cuộc đời, sống với thái độ lạc quan, hòa ái, cần cù để thay thế lòng tham, tính đố kỵ và ích kỷ; nội tâm của con sẽ dần chuyển hóa, dần thay đổi để thanh thản và bình an hơn.
-Trong xã hội, nhiều người không có văn hóa nhưng lại giàu có, con hãy nên vì họ mà vui vẻ, nên cầu chúc họ càng giàu có hơn, càng có nhiều niềm vui hơn mới đúng. Người khác đạt được, phải vui như người đó chính là con; người khác mất đi, đừng cười trên nỗi đau của họ. Người như vậy mới được coi là người lương thiện! Còn con, giờ thấy người khác giàu con lại thiếu vui, đây chính là tâm đố kị. Tâm đố kị chính là một loại tâm rất không tốt, phải kiên quyết tiêu trừ!”
Con cho rằng, con có chỗ hơn người, tự cho là giỏi. Đây chính là tâm ngạo mạn. Có câu nói rằng: “Ngạo mạn cao sơn, bất sinh đức thủy” (nghĩa là: ngọn núi cao mà ngạo mạn, sẽ không tạo nên loại nước tốt) người khi đã sinh lòng ngạo mạn, thì đối với thiếu sót của bản thân sẽ như có mắt mà không tròng, vì vậy, không thể nhìn thấy bản thân có bao nhiêu ác tâm, sao có thể thay đổi để tốt hơn. Cho nên, người ngạo mạn sẽ tự mình đóng cửa chặn đứng sự tiến bộ của mình. Ngoài ra, người ngạo mạn sẽ thường cảm thấy mất mát, dần dần sẽ chuyển thành tự ti. Một người chỉ có thể nuôi dưỡng lòng khiêm tốn, luôn bảo trì tâm thái hòa ái từ bi, nội tâm mới có thể cảm thấy tròn đầy và an vui.
-Bầu trời có thể bao dung hết thảy, nên rộng lớn vô biên, ung dung tự tại; mặt đất có thể chịu đựng hết thảy, nên tràn đầy sự sống, vạn vật đâm chồi! Một người sống trong thế giới này, không nên tùy tiện xem thường hành vi và lời nói của người khác. Dẫu là người thân, cũng không nên mang tâm cưỡng cầu, cần phải tùy duyên tự tại! Vĩnh viễn dùng tâm lương thiện giúp đỡ người khác, nhưng không nên cưỡng cầu điều gì.
-Nếu tâm một người có thể rộng lớn như bầu trời mà bao dung vạn vật, người đó sao có thể khổ đây?
Vị thầy khả kính nói xong những điều này, tiếp tục nhìn tôi với ánh mắt đầy nhân từ và bao dung độ lượng.
Ngồi im lặng hồi lâu…xưa nay tôi vẫn cho mình là một người rất lương thiện, mãi đến lúc này, phải! chỉ đến lúc này, tôi mới biết được trong tôi còn có một con người rất xấu xa, rất độc ác! Bởi vì nội tâm của tôi chứa những điều ác, nên tôi mới cảm thấy nhiều đau khổ đến thế. Nếu nội tâm của tôi không ác, sao tôi có thể khổ chứ ?
Xin cảm tạ thầy, nếu không được người khai thị dạy bảo, con vĩnh viễn sẽ không biết có một người xấu xa như vậy đang tồn tại trong con!
Từ Đạo Tâm

Vì sao người Việt Nam không thân thiện với người Trung Quốc?


Vì sao người Việt Nam không thân thiện với người Trung Quốc?

  •   BÀI ĐĂNG TRÊN WEBSITE PHƯỢNG HOÀNG
  • Thứ tư, 17 Tháng 2 2016 15:14
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển Việt NamTàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển Việt Nam 
 Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã phát động cuộc xâm lăng nước ta ở biên giới phía Bắc sau khi không cứu vãn nỗi sự sụp đổ của bọn tay sai diệt chủng Khơme đỏ do bè lũ Pôn pốt - Iêng xary cầm đầu. Là người Việt Nam, không ai có thể quên được mối thù này. 37 năm đã trôi qua, lịch sử đã có nhiều biến đổi song tư tưởng và âm mưu bành trướng của người Trung Quốc thì vẫn còn. Nhưng, người Việt Nam từ xưa đến nay đã biết làm cho kẻ thù khiếp sợ và kính phục. Chúng tôi đăng tải bài viết sau đăng trên trang mạng Phượng hoàng của Trung Quốc để bạn đọc tham khảo về một góc nhìn, một cách lý giải của người Trung Quốc mối quan hệ hay là thái độ của người Việt Nam đối với họ. 
Hôm nay [17 tháng 2] là một ngày nhân dân hai nước Trung Quốc, Việt Nam đều không thể nào quên. Ngày này 30 năm trước, quân đội Trung Quốc phát động “Cuộc chiến tự vệ phản kích” Việt Nam trên biên giới Trung Việt. Cuộc chiến tranh này đã trở thành vết thương khó có thể hàn gắn giữa nhân dân hai nước. Nếu bỏ qua cuộc chiến đó để xem xét “Mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam” hiện nay, dù là quan hệ nhà nước hay nhân dân, thì sẽ là què quặt, cũng là phiến diện không hoàn chỉnh.
Ba quốc gia có liên quan trực tiếp nhiều nhất tới cuộc chiến đó là Trung Quốc, Việt Nam và Căm-pu-chia có cách nhìn khác hẳn nhau đối với cuộc chiến tranh Trung Quốc – Việt Nam 30 năm trước. Phía Trung Quốc cho rằng phía Việt Nam quấy rối biên cương Trung Quốc, cho nên Trung Quốc phát động “Cuộc chiến tự vệ phản kích”. Phía Việt Nam cho rằng chính phủ Trung Quốc vì để ủng hộ chính quyền Khơ-me Đỏ mà phát động bành trướng xâm lược Việt Nam, thể hiện chiến tranh bá quyền. Phía Căm-pu-chia tuy không tỏ thái độ rõ ràng đối với cuộc chiến Trung Quốc-Việt Nam nhưng ngày 7 tháng 1 năm nay đã tổ chức một cuộc mít tinh quy mô chưa từng có tại Phnông-pênh chúc mừng 30 năm ngày nhân dân Căm-pu-chia thoát khỏi ách thống trị của Khơ-me Đỏ. Tại cuộc mit tinh, Chủ tịch Thượng viện Căm-pu-chia Chia-xin cảm ơn Việt Nam “đã cứu Căm-pu-chia”, đánh giá cao bộ đội tình nguyện Việt Nam đã hy sinh to lớn để tiêu diệt chính quyền Khơ-me Đỏ tàn sát nhân dân, và đã kịp thời ngăn chặn được số phận bất hạnh nhân dân Căm-pu-chia tiếp tục bị tàn sát.
Giờ đây chính phủ Trung Quốc đang ra sức làm mờ nhạt cuộc chiến 30 năm trước ấy, không tổ chức bất kỳ bất kỳ hoạt động kỷ niệm chính thức nào. Tại Việt Nam, chính phủ và nhân dân đều tổ chức hoạt động tưởng niệm với quy mô lớn [?] những người Việt Nam đã chết trong cuộc chiến đó, giáo dục người Việt Nam chớ quên cuộc chiến này. Rốt cục trong cuộc chiến tranh ấy ai phải ai trái, ở đây tác giả không muốn bàn thảo. Bao giờ các tài liệu mật được dần dần công khai, sau khi nhìn thấy chân tướng, tự nhiên người ta sẽ hiểu rõ.
Tác giả muốn nhân dịp hôm nay ngày đặc biệt này để nói qua về một số cảm nhận của mình tại Việt Nam, hy vọng qua đó người trong nước sẽ hiểu được tại sao đa số người Việt Nam có thái độ không hữu hảo với Trung Quốc. Để nhìn nhận Việt Nam một cách khách quan, chúng ta nên xuất phát nhiều hơn từ góc độ của mình mà suy nghĩ. Ngoài việc cuộc chiến đó cần thời gian để hàn gắn vết thương giữa nhân dân hai nước ra, hiện nay vấn đề người Việt Nam không hữu hảo với người Trung Quốc chủ yếu có mấy mặt sau đây đáng để người nước ta [tức TQ] cảnh giác và suy nghĩ.
Trước hết,
 người Trung Quốc chưa hiểu tình hình Việt Nam – đây là một nguyên nhân khiến người Việt Nam ghét người Trung Quốc. Hai nước tuy là láng giềng gần nhau, truyền thống văn hóa và tập quán giống nhau nhưng tuyệt đại đa số người Trung Quốc lại chưa hiểu Việt Nam. Việt Nam là quốc gia nhược tiểu, chính phủ không đủ tài lực, thậm chí việc vận hành của chính phủ hàng năm phải cần đến viện trợ quốc tế. Thế nhưng sự nghèo khó của chính phủ không đại diện cho sự bần cùng của dân chúng. Người Trung Quốc có quan niệm là chỉ cần thấy nước này chỗ nào cũng rách nát, thiết bị hạ tầng cơ sở chưa hoàn thiện, đường phố không rộng rãi tráng lệ thì cho rằng nước này hỏng rồi. Thực ra nhìn bên ngoài không bằng nhìn thực chất. Việt Nam luôn luôn theo đường lối giấu ngầm sự giàu có vào dân chúng. Chỉ cần đến thăm nhà thường dân Việt Nam để cảm nhận một chút, bạn sẽ thay đổi ấn tượng về Việt Nam. Hầu như gia đình Việt Nam nào cũng có một tòa lầu nhỏ kiểu Pháp của riêng họ [?], các loại đồ điện gia đình và thiết bị trong nhà không hề ít hơn dân Trung Quốc. Nghèo nữa thì cũng có một chiếc xe máy. Gia đình dân chúng Việt Nam chưa thể coi là giàu có nhưng cũng tuyệt nhiên không nghèo. Tuyệt đại đa số người Trung Quốc từng đến Việt Nam phần lớn chỉ nhìn thấy hiện tượng bên ngoài chứ không phải đời sống thực chất của người Việt Nam bình thường, do đó có sự hiểu lầm về Việt Nam. Ngược lại, người Việt Nam cũng từ xương cốt coi thường một bộ phận người Trung Quốc.
Thứ hai,
 tâm trạng ưu việt cao ngạo của người Trung Quốc đã làm cho người Việt Nam không hữu hảo với người Trung Quốc. Người nước ta tự cho rằng thực lực Trung Quốc mạnh hơn Việt Nam, phần lớn người Trung Quốc khi đến Việt Nam thì có thái độ thiếu thân mật và khiêm tốn với người Việt Nam. Thường xuyên có bạn hỏi tôi: Việt Nam chẳng phải là rất nghèo đấy ư, có phải là ở Việt Nam đi mua hàng phải vác cả bọc tiền to tướng, có phải Việt Nam thừa phụ nữ, có thể lấy mấy vợ cũng được phải không?  … đều là những câu hỏi làm người ta cười gượng. Thực tế Việt Nam khác xa những gì chúng ta tưởng tượng. Chính quyền Việt Nam nghèo, thậm chí rất tham nhũng, song dân chúng Việt Nam không nghèo. Đồng bạc Việt Nam giá trị cao nhất là 500 nghìn đồng, tương đương 200 Nhân Dân Tệ Trung Quốc, ra phố mua hàng đâu có cần vác rất nhiều tiền, thậm chí còn ít một nửa so với người Trung Quốc đi mua hàng. Phụ nữ Việt Nam không nhiều, tỷ lệ nam nữ cơ bản bằng nhau, thậm chí tỷ lệ nam cao một chút, chớ có sang Việt Nam làm giấc mộng lấy mấy cô vợ. Người Việt Nam coi người Trung Quốc không ra gì không phải không có nguyên cớ.
Thứ ba,
 nhà đầu tư Trung Quốc đến Việt Nam rất bị nghi ngờ về chữ tín. Cuối thập niên 90, rất nhiều người Trung Quốc đến Việt Nam đầu tư, tưởng là ở đấy có thể dễ kiếm được tiền. Khi phát hiện đầu tư trên toàn thế giới đều có cùng một nguyên tắc là “không có đầu tư vào thì không có sản phẩm ra”, kiếm tiền đâu có dễ như tưởng tượng. Thế là người Trung Quốc ào sang như một đàn ong rồi lại ào ào đại rút lui như một đàn ong, rút vốn về nước một cách bất hợp pháp, để lại một đống tạp chứng khó chữa như nợ lương, nợ thuế, nợ vốn với đối tác hợp tác, khiến chính quyền Việt Nam rất đau đầu. Sự thành thật giữ chữ tín của thương nhân Trung Quốc phổ biến bị người Việt Nam nghi ngờ.  Cùng sang Việt Nam kiếm tiền, người Nhật, người Hàn Quốc trước lúc đi đã xem xét coi đây là vấn đề khá  phức tạp, khi gặp phải các vấn đề tồn tại trong xã hội Việt Nam họ giải quyết dễ hơn người Trung Quốc. Tâm lý quá ư đầu cơ của nhà đầu tư Trung Quốc, thái độ oán trách mỗi khi gặp khó khăn đã gây ra hậu quả người Việt Nam cho rằng người Trung Quốc có độ tin cậy thương mại không cao. Trung Quốc khi đưa vốn ra nước ngoài cũng đem theo những bệnh bất trị vốn có trong xã hội thương mại của mình sang nước ngoài. Điều này không những các nhà đầu tư chúng ta phải suy ngẫm mà chính phủ Trung Quốc cũng nên cảnh giác.
Thứ tư,
 việc các thương gia Trung Quốc phán đoán sai lầm về thị trường tiêu dùng Việt Nam đã không những làm cho sản phẩm Trung Quốc khó tiêu thụ ở Việt Nam mà cũng tổn hại nghiêm trọng tới hình ảnh và thanh danh của người Trung Quốc. Do hiểu biết lệch lạc về tình hình nội bộ và thói quen tiêu dùng của Việt Nam, cho rằng người Việt không tiêu dùng nổi những sản phẩm chất lượng tốt cấp cao, mà người Trung Quốc chuyển sang Việt Nam những dây chuyền sản xuất lạc hậu bị đào thải trong nước, kết quả thế nào có thể suy ra mà thấy. Ở Trung Quốc, nhà sản xuất xe máy Trùng Khánh huênh hoang là đã chiếm được bao nhiêu thị phần thị trường Việt Nam. Đáng tiếc là người viết bài này ở Việt Nam cho tới nay chưa hề phát hiện thấy một chiếc xe máy Trùng Khánh nào chạy trên đất nước này, dù ở vùng nông thôn tương đối nghèo hay đô thị phồn hoa đều khó mà thấy bóng dáng nó. Trong lòng người tiêu dùng Việt Nam thì hàng Trung Quốc là đại danh từ của “chất lượng xấu”. So với người Trung Quốc, rõ ràng người Nhật Bản, Hàn Quốc, kể cả người Âu Mỹ đánh giá quan niệm tiêu dùng của người Việt Nam chính xác hơn nhiều; ngay từ đầu họ đã đưa hàng chất lượng tốt sang thị trường Việt Nam, giành được sự ủng hộ của người tiêu dùng nước này. Đây cũng là nguyên nhân hàng hóa Trung Quốc ở Việt Nam đại bại trước hàng hóa Nhật Bản, Hàn Quốc và cũng là một nhân tố lớn làm cho người Việt Nam khinh thường [nguyên văn bỉ thị] người Trung Quốc.
Trung Quốc và Việt Nam núi liền núi sông liền sông, có hơn 2000 năm tiếp xúc văn hóa, thế nhưng sự hiểu biết của chúng ta về Việt Nam lại dừng ở hồi ức trong quá khứ, thiếu con mắt tỉnh táo và thận trọng để nhìn nhận người hàng xóm này, khiến cho giữa nhân dân hai nước hình thành một vết thương khó có thể vượt qua. Đồng thời với việc mất tín nhiệm của dân chúng Việt Nam, chúng ta cũng dần dần chắp tay nhường cho Nhật Bản, Hàn Quốc lợi ích thị trường to lớn ở Việt Nam mà người Trung Quốc vốn dĩ nắm được.
Người Việt Nam không hữu hảo với người Trung Quốc tuyệt nhiên không chỉ là do cuộc chiến tranh 30 năm trước mà còn nhiều cái nữa đáng để tất cả người Trung Quốc suy ngẫm!
Nguyễn Hải Hoành biên dịch
Nguồn: 
http://blog.ifeng.comngày 17/2/2009